Sunday 3 January 2016

Cách sơ chế hoa dâm bụt giấm


Hoa dâm bụt giấm, có tên gọi tiếng Anh là Hibiscus, màu đỏ thắm tự nhiên có những ích lợi mang lại cho sức khỏe con người.
Hibiscus được biết đến với rất nhiều cái tên khác nhau như: atiso đỏ, bụt giấm, bụp giấm, cây rau chua, bụt chua, bụp chua, lá giấm, giền cá, giền chua, hoa vô thường, ... Hibiscus trong từ điển tiếng Việt là “hoa dâm bụt”. Với nhiều tên gọi như vậy nhưng xuất sứ của loài hoa này lại không ở Việt Nam mà từ Bắc Phi và Trung Mỹ.
Hibiscus (Hibiscus sabdariffa L.) thuộc họ bông (Malvaceae), tên khác là cây giấm, bông bụt giấm, đay Nhật, là một cây bụi, cao 1 - 2m. Thân màu lục hoặc đỏ tía, phân cành ở gốc. Cành nhẵn hoặc hơi có lông. Lá mọc so le. Hoa to, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, màu vàng, ở giữa màu đỏ tía sẫm. Quả nang, hình trứng, nhọn đầu, có lông mịn, đài có hạt nhiều, màu đen.
Việt Nam lấy giống cây này từ Đức năm 1997, cây được thử nghiệm phủ đất trống đồi trọc cho kết quả tốt ở Hà Tây, Hòa Bình, Thái Nguyên rất thích hợp với đất đai cằn cỗi, ít mưa, nhiều nắng. Cây bụt giấm dễ trồng bằng hạt, thích hợp với điều kiện khí hậu nước ta, có thể trồng trong các vườn gia đình để lấy đài hoa làm nước uống và làm thuốc.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây là hoa, thu hái vào mùa thu, lúc các lá đài còn mềm và căng mọng, không bị nhăn héo và có màu đỏ sẫm và chỉ thu hái trong vòng 15 - 20 ngày sau khi hoa nở, vì để lâu, dược liệu sẽ kém phẩm chất. Đài hoa có thể dùng tươi hoặc phơi khô thì bảo quản được lâu, đài khô sau khi ngâm nước lại trở về trạng thái tươi.
Theo kinh nghiệm dân gian của Việt Nam, lá đài của hoa Hibiscus để tươi, rửa sạch, ép lấy nước, pha thêm đường và nước lọc để thành thứ đồ uống đặc biệt, có vị chua dịu, mùi thơm nhẹ sẽ phát huy tốt các tác dụng là làm mát, tiêu khát, giải nhiệt, lợi tiểu, thông mật, nhuận tràng, hạ huyết áp, sát khuẩn, kháng nấm, chống độc.

Sơ chế hoa dâm bụt giấm
1. Cắt phần trên của cánh hoa ra khỏi đài và chẻ phần cánh hoa ra làm hai để dễ dàng rửa sạch sâu rệp, cát đất và côn trùng ẩn trong cánh hoa.
2. Phần lõi hoa chứa hạt giống có màu tươi xanh hoặc đen sậm xám tùy vào độ già của hoa. 2 kí hoa dâm bụt giấm thì lặt được khoảng 400g cánh hoa. Phần lõi hoa này có người đem phơi khô rồi nấu như pha trà để uống, nhưng đợt này mua hoa không được tốt lắm nên mình không tận dụng số lõi hoa này.
3. Phần cánh hoa sau khi lặt rồi là đây. Như bạn thấy đấy, bên trong cánh hoa còn nhiều bụi bẩn cần phải rửa sạch.

4. Sau khi rửa sạch là công đoạn đem hong gió phơi khô. Cánh hoa khô ráo là được. Nguyên liệu đã sạch thì bạn có thể tùy thích chế biến theo nhiều kiểu khác nhau với hoa dâm bụt giấm này.

Bùi Hồng Thảo

No comments:

Post a Comment

Rất mong nhận được sự đóng góp tích cực của quý bạn đọc.